Chùa Vua – Đấu trường cờ tướng danh tiếng đất Thăng Long Đền Bà Kiệu: Gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá tinh thần của Thăng Long
Là một địa danh nổi tiếng thiêng liêng, nhiều du khách thập phương có dịp đi qua vùng đất Mễ Trì đều đến thắp hương và vãn cảnh Miếu Đầm (hay còn gọi là miếu Đức Thánh Đầm). Hiện miếu nằm trên đường phố Miếu Đầm, gần ngay cạnh cổng số 5 của khu Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Đường đi vào miếu Đức Thánh Đầm (Ảnh: L.T)
Ngôi miếu được bao bọc ba hướng là đầm nước trong xanh với các hành lang vây quanh. Dọc đường đi từ cổng vào là những hàng cây thẳng tắp, xanh tốt. Nhìn từ xa, khuôn viên miếu như một bán đảo, bên kia là các công trình hiện đại, sơn thủy hữu tình.
Điều kì lại là, mặc dù miếu ở vị trí trang trọng nhưng điện thờ lại rất đơn sơ, nép mình dưới gốc cây si cổ thụ gốc sần sùi mọc trên nền đất cỏ xanh tự nhiên. Xung quanh điện thờ chính trồng sáu cây gạo cổ thụ. Bên ngoài là cổng miếu, có bốn cột cao, nền lát gạch.
Cổng miếu có bốn cột cao, nền lát gạch (Ảnh: L.T)
Các cao niên trong làng kể rằng, ngôi miếu đã tồn tại ở làng Mễ Trì Thượng hàng ngàn năm, tổng cộng có 18 sắc phong thời phong kiến. Miếu được xây dựng để thờ tự vị thủy thần Đông Hải Đại Vương và gắn với truyền thuyết mang đầy ý nghĩa nhân văn.
Tương truyền, xa xưa vùng đất Mễ Trì có nhiều đầm hồ, ngòi rạch. Nhiều người ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Trong làng có hai vợ chồng sống tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành nhưng tuổi đã cao vẫn chưa có nổi mụn con.
Một lần, người chồng đi kéo vó trên đầm, kéo mãi mà không được con cá nào. Đang định thu lưới về thì bỗng nhiên ông kéo được một quả trứng kỳ lạ, màu sắc lung linh như ngọc. Thấy vậy, ông liền đem về rồi cho vào một cái chum lớn. Sau hơn hai mươi ngày, trứng nở ra một con rắn trắng. Ông bà quý con rắn như là con đẻ của mình. Hằng ngày cố công chài lưới, tìm thức ăn nuôi rắn.
Khoảng 100 ngày sau, rắn lớn, trong một đêm mưa to gió lớn, sấm sét vang trời, rắn chui ra khỏi chum rồi bỏ đi mất. Vợ chồng ông bà già chạy theo kêu van thảm thiết để rắn quay lại nhưng rắn cứ một mạch theo hướng đầm mà bò đi. Về sau dân làng mới biết, rắn là con thứ ba của Thủy thần, do đó người dân gọi là cụ Ba Hoàng, hay Đức Thánh Đầm.
Miếu gắn với truyền thuyết mang đầy ý nghĩa nhân văn (Ảnh: L.T)
Những ngày sau khi rắn bỏ đi, hạn hán thiên tai triền miên, mùa màng mất mùa, đói kém, tôm cá không đánh bắt được. Hai vợ chồng nhớ đến rắn liền khấn vái cầu xin sự giúp đỡ.
Ai ngờ những lời cụ ông cầu khấn đều linh nghiệm, cụ đem kể chuyện này với dân làng, dân làng thấy thế bèn làm theo, cũng cầu khấn mong ngài phù hộ thì ngay lập tức có mưa, tôm cá về đầy, mùa màng tươi tốt.
Chuyện lạ truyền đến tai nhà vua, nhà vua nghe không tin, về tận nơi thị sát tình hình thì thấy quả đúng như những gì dân làng kể lại nên đã đích thân đến đây xem xét địa thế, phong thủy, cho xây miếu to đẹp hơn, lấy tên là Đức Thánh Đầm. Đồng thời đổi tên khu vực này thành Mễ Trì như ngày nay. Và để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Đầm, hàng năm vào 18/2 âm lịch, dân làng Mễ Trì Thượng lại tổ chức lễ cúng linh đình tại khuôn viên miếu cùng lễ rước kiệu xung quanh khu vực miếu.
Gắn liền với truyền thuyết ra đời nhân văn như vậy, Miếu Đầm ngày càng được nhiều người biết đến. Hằng năm vào những ngày lễ, ngày rằm, người dân làng Mễ Trì cũng như du khách thập phương lại tìm về đây vãn cảnh, cầu công danh, bình an, mưa thuận gió hòa.