THỊ VÃI – DẤU HỎI HAY DẤU NGÃ?
Hiện nay, Thị Vải là một danh từ khá quen thuộc trong đời sống của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì đó là tên gọi của một ngọn núi cao, một con sông sâu, một cảng lớn và một cây cầu của huyện Tân Thành, ngay cửa ngõ vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trên quốc lộ 51… Trong các văn bản hành chính, trên các phương tiện thông tin từ trước đến nay, danh từ này đều được viết là Thị Vải (dấu hỏi).
Nhưng, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết đầu thế kỷ XIX, cho biết: “Núi Nữ Tăng (tức núi Thị Vải) tục gọi núi Bà Vãi, trước có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, kén chọn lỡ thời. Sau khi cha mẹ chết mới lấy chồng, không bao lâu người chồng chết, thề quyết không đi bước nữa, khổ vì bọn thế hào cứ sai người mối lái đến quấy nhiễu, bèn trốn đời cắt tóc đi tu, dựng am ở đỉnh núi, tự làm sư thầy tụng niệm tu trì, nên chánh quả. Người ta nhân đó mà gọi tên núi”. Sách Đại Nam nhất thống chí, viết nửa sau thế kỷ 19, cũng có những lời tương tự và ca tụng bậc chân tu Lê Thị… Như vậy, có thể nghĩ rằng tên gọi Thị Vãi đã có ngót 200 năm nay.
Từ tên núi, Thị Vãi được dùng để gọi tên sông, tên cầu… Chữ “vãi” (dấu ngã) nguyên gốc ban đầu của địa danh có nghĩa là “người đàn bà đi tu theo Phật giáo”. Từ ý kiến này của Trịnh Hoài Đức, liệu có đặt ra giả thiết rằng, tên gốc “Thị Vãi” đã bị biến đổi thành “Thị Vải” hay không?
HỘI BÀI – MỘT TRONG NHỮNG ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỔ NHẤT TRÊN ĐẤT TÂN THÀNH
Hội Bài chính thức trở thành tên gọi một đơn vị hành chính được ghi vào sử sách và trên bản đồ cuối thế kỷ XIX. Đó là làng Hội Bài, một trong 15 làng của tổng An Phú Hạ và một trong số ít làng có tên gọi chính thức sớm nhất trên vùng đất (mới) Tân Thành (cùng với Mỹ Xuân và Phước Hoà). Có người giải thích rằng sở dĩ có tên gọi Hội Bài là vì “ở đây có những hội người chơi bài” (?). Nên bỏ tên gọi đó không sao! Tuy nhiên sử sách ghi lại cho thấy cách hiểu như vậy là không đúng. Hồi cuối thế kỷ XIX, những gánh hát được tổ chức ở đây để phục vụ du khách Sài Gòn về Vũng Tàu tắm biển cuối tuần. Họ nghỉ chân nơi đây để biểu diễn: Kẻ hát, người xướng, đóng trò, hài hước mua vui, giải trí cho du khách… Người đương thời gọi loại hình đó là “hội bài” và đặt tên cho đất. Như vậy, chữ Hội Bài có nghĩa đẹp và văn hoá. Việc không giữ lại “Hội Bài” như một tên đơn vị hành chính khi chia tách xã Hội Bài thành xã Tân Hoà và xã Tân Hải trong thời gian gần đây, là ta đã để mất đi một ý nghĩa đẹp của một địa danh.
Đinh Văn Hạnh