Với tiền lương ít ỏi và mức service charge cao – thấp thất thường mỗi tháng, nhiều dân ngành than trời bởi áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai. Thế nên, những mánh khóe được truyền tai nhau hoặc tự lóe sáng và áp dụng hiệu quả mang đến kỳ vọng về mức thu nhập ổn áp cho nhiều người. Dù biết không mấy khuyến khích nhưng rõ ràng, nghề nào “ăn” nghề đấy, chỉ là đã bị phát hiện và xử lý hay chưa mà thôi…
Vấn đề khá nhạy cảm nhỉ. Hoteljob cũng từng lên kha khá bài nói về những chiêu trò chiếm dụng của công mà dân ngành đã và đang áp dụng. Tuy nhiên, bài viết này lại tổng quát hơn, vì “vạch trần” gần như đầy đủ các bộ phận có thể “ăn bớt” khi làm nghề. Cùng chỉ điểm những hành vi “thiếu đứng đắn”, có thể nhắm mắt làm ngơ chấp nhận hoặc nghiêm khắc vạch trần và xử lý để làm sạch môi trường dịch vụ chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp.
50+ thủ thuật “ăn bớt” gây tổn thất cho nhà hàng – khách sạn
“Các cụ ta có câu nghề nào “ăn” nghề đấy – vậy NGHỀ KHÁCH SẠN “ăn” gì?
Hôm nay NGHỀ KHÁCH SẠN xin chia sẻ bài viết này mong bà con anh, chị, em… trong nghề đừng ném đá em. Nhà em vừa xây xong rồi nên cũng chưa có nhu cầu nhận thêm gạch, em chỉ mong các bạn cho em ít nội thất thôi (Góp ý thêm mánh khóe), cũng mong các bác quản lý đừng quá soi nhân viên mà tội chứ đi làm mà không “ăn” thì sống sao được.
Em cũng xin phép được tổng hợp từ một số người làm trong từng bộ phận chứ em cũng có biết gì đâu; và cũng chưa được làm ở tất cả các bộ phận nên cũng chưa rành lắm, anh chị nào mà có những “ngón nghề” hay thì xin chỉ giáo ạ.
=> Đầu tiên, em xin phép nói về bộ phận BẾP:
Ông bà xưa để lại “Giàu nhà kho, no nhà bếp” nên em xin phép từ đây chắc không cần phải nói thì những ai đã và đang làm Bếp chắc cũng biết rồi. Không ăn ngon thì sao biết nấu ngon phải không? Tất nhiên thực khách cũng nên thông cảm cho các bạn ý vì cũng chỉ là bắt buộc thôi chứ biết làm sao.
Em ví dụ thế này: con gà thì chắc hẳn ai cũng biết đùi là ngon nhất với người Việt mình thôi chứ mấy bác Tây bác ý thích lườn hơn. Bếp chả ăn đùi chứ biết ăn cái gì bây giờ? Chân và cánh có muốn ăn thì cũng chả dám. Còn chỗ nào quản chặt thì sao? Chắc các bạn bếp thừa kinh nghiệm rồi còn gì? Một suất bò Úc là 200g, nếu quản chặt thì khách chỉ còn 180 gram là chuyện đương nhiên thôi nhưng mấy khi khách biết…
Em cũng xin chia sẻ câu chuyện em, chả biết là vui hay buồn nữa? Hôm bữa có anh bạn vừa mới đưa được miếng thịt bò vào mồm thì sếp gọi. Khổ nỗi miếng bò nướng khá to. Thế là vừa nóng vừa to, vậy mà bạn em nuốt chửng cả miếng thịt bò luôn ạ, chứ bình thường các bác làm được vậy không? Mấy anh em sau đó cười chảy ra nước mắt luôn.
Vâng đấy là ăn theo nghĩa đen, còn vô vàn những mánh khóe nữa với những ai đã làm bếp ở bộ phận nhận hàng thì các bác cũng biết. Để đưa hàng hóa vào được nhà hàng khách sạn thì qua bao nhiêu vòng kiểm duyệt mới được nhưng cuối cùng vẫn phải qua ải của Bếp. Hàng mà nhà cung cấp đưa có ngon mấy mà không chiều mấy anh Bếp thì cũng thành không ngon, chê đủ kiểu. Còn chuyện cắt hoa hồng theo hóa đơn thì chả phải bàn và tất nhiên sau đó thì nhà cung cấp sẽ thoải mái hơn.
=> Tiếp theo, Bộ phận Tạp vụ thì ăn gì nhỉ?
Theo các bạn họ ăn gì? Chuyện ăn cùng bếp thì em chả nói làm gì nữa, vì đó là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu rồi. Em muốn nói ở đây là ăn dao, dĩa , thớt, cốc, chén, đũa… Nói chung là khách sạn có gì, thì nhà các bạn Tạp vụ có đó. Thế làm sao đưa về nhà mình được??? Chiêu nào đây??? Đây cũng là chia sẻ của một người có kinh nghiệm nhiều năm rồi.
Chuyện những thứ đồ dùng trên trong rác thì đương nhiên chả mấy khi nó bỗng dưng ở trong đó mà toàn phải có chủ ý cả thôi. Cứ cho vào đấy gửi mấy anh xe chở rác lỡ có bị phát hiện thì cứ bảo không biết còn bảo vệ không biết thì nó theo về nhà thôi!!!
=> Sau Bếp thì em xin nói đến Bàn,
Bếp và Bàn là hai anh em với nhau! Mà cái chuyện đổi dầu lấy lương thực thì có lẽ là hàng ngày luôn ạ. Bếp có đồ ăn nhưng không có đồ uống, còn bàn thì ngược lại nên chuyện trao đổi để dồi dào, phong phú bữa tiệc là lẽ đương nhiên. Chắc em chả nói thì các bác cũng biết rồi. Nhưng em nói thêm khía cạnh ăn khác. Các bạn bàn ăn gì?
Chuyện khách ăn mà không xuất hóa đơn rồi cứ thu tiền khách bình thường và đương nhiên là tiền đó vào túi ai thì các bác biết rồi. Mạnh ai nấy ăn thôi. Ai mà chả thích ăn nhỉ? Không ăn có đứa nó bảo ngu. Em mà nói dối thì hai đầu gối em bằng nhau luôn.
=> Bar thì sao bà con?
Vâng chắc bạn nào làm Bar cũng đã nghe đến chuyện mua rượu ngoài mang vào, rồi bán cho khách rượu thì vẫn thật thôi nhưng đương nhiên thì lãi là ai cầm? Bạn biết rồi phải không? Mấy anh em Bar chớ còn ai vào đây!
=> Bàn, Bar, Bếp thì cũng qua rồi em tiếp đến kể đến Thu ngân nhỉ?
Chuyện hóa đơn thì đương nhiên là bạn thu ngân nào mà chả được đề cập. Chắc các bạn biết thừa phải làm như thế nào rồi. Khách không lấy hóa đơn thì em mang bán cho người nào cần thôi. Cả hai cùng có lợi. Kẻ cung, người cầu.
=> Tiếp theo là Thu mua,
Chắc có lẽ các bạn nghe đến bộ phận này thì cũng biết rằng vớ bẫm như thế nào rồi phải không? Nên ai mà đã làm ở chân này rồi mấy ai nghỉ và cũng mấy ai tiêu đến lương, chưa kể của ngon vật lạ gì chắc cũng được thưởng thức rồi. Ngoài ra thì phần trăm theo hóa đơn, chênh lệch giá, hóa đơn khống nói chung đủ trò. Còn vô vàn nữa em vẫn chưa biết hết…
=> Thu mua thì đương nhiên là đi liền với kế toán rồi
Nào là lập hóa đơn thu chi khống, ghi quá số lượng, kê khai thêm hàng – số lượng mà chả thấy hàng ở đâu? Bộ phận này có lẽ ăn bẫm nhất. Nếu cô kế toán nào làm lâu năm ở các công ty lớn thì sẽ có rất nhiều “chiêu” để mau giàu. Ở đây em nói “chiêu” là vì em không thích những kiểu “rút ruột” quá đơn giản, rất dễ bị phát hiện và bị xem thường. “Chiêu”: rút ruột không để lại 1 dấu vết nào, mọi thứ đều hợp lý và logic trong mắt ông chủ.
Ông không có ý kêu gọi kế toán phải biết rút ruột, nhưng đó là 1 thực tế khi kế toán đã “rõ đường đi lối về.
=> Bộ phận Kinh doanh thì ăn gì ạ?
Ăn hoa hồng của khách, ăn số khách…
=> Bộ phận Lễ tân thì sao?
Nếu bác nào mà đã đi “tàu nhanh” rồi thì chắc chả ai muốn xuất trình giấy tờ phải không ạ? Gì chứ tiền phòng đi với gái thì mấy ai cò kè, chưa kể là còn tip thêm phải không. Nên chuyện này thì còn phải bàn. Khách nào vào khách sạn mà chả phải qua lễ tân, cái gì cũng qua lễ tân: đặt tour, đổi ngoại tệ, thuê xe máy, mua vé tàu hỏa, vé máy bay, tiền điện thoại, thu tiền của khách… nhưng mấy ai nộp cho khách sạn, ăn tiền khách check out muộn, tiền ăn sáng của khách… ôi vô vàn cửa kiểm sống phải không ạ? Em nói mấy cái nho nhỏ vậy thôi chứ mà nói hết ra thì chắc các bác lễ tân tổng sỉ vả em chết.
=> Đương nhiên bên cạnh lễ tân thì có thêm Bell man nữa ạ chứ các bác lái xe muốn có khách thì cũng phải chia chát chứ đương nhiên là cộng sinh rồi.
=> Vâng tiếp theo em kể đến buồng phòng ạ!
Lễ tân và Buồng phòng thì đương nhiên cũng phải phối kết hợp chứ ạ. Lễ tân muốn có phòng thì cũng cần nhờ đến bộ phận này, vậy là anh em mình cùng ăn thôi. Buồng phòng thì đương nhiên ăn hoa quả, ăn giấy vệ sinh, dao cạo râu, bàn chải… Cái gì dư, cứ đem về nhà. Gì chứ chuyện khách mất đồ rồi mặc dù là nhân viên buồng phải nộp lại cho bộ phận gọi là Lost and Found ý ạ thì em nói thật chứ chị em chỉ mong đến ngày hết hạn để được nhận món đồ mình nhận được.
Không chuyện gì là không có cả. Em xin kể câu chuyện rất thật của một người đã kinh ngiệm khá nhiều và cũng thuộc loại khá giả nhưng có hôm khách có quên một cái váy rất đẹp hàng hiệu tại buồng phòng và chị đó nhặt được, mặc dù rất thích nhưng quy định vẫn phải nộp lại cho bộ phận. Thế rồi hàng ngày vẫn cứ mong sếp cho ướm thử và mong từng ngày đến ngày nhận được cái váy đó.
=> Tiếp theo giặt là
Giặt là thì đương nhiên ăn hóa chất rồi. Hic. Em nói vậy thôi chứ hóa chất ai ăn được phải không nhưng chuyện bớt xén hóa chất là chuyện thường. Cứ nghĩ: “Đem về tý, giặt đồ cho con nhỉ?” hay chuyện quần áo thì có bao giờ giặt ở nhà – Mang đến khách sạn giặt luôn cho đỡ nhiên liệu, hoặc chuyện giặt là cho khách không vào sổ rồi lấy tiền tip…
=> Bây giờ đến bảo vệ ạ,
Chắc là chả mấy ai nghĩ bảo vệ lại ăn gì được chứ nhưng cũng vẫn ăn được ối thứ ấy ạ. Ai vào cơ quan, phòng nào mà chả qua bảo vệ, nhân viên cũng phải qua bảo vệ thì đương nhiên muốn ăn gì làm gì mà các bác ấy chả biết. Bạn nào muốn mang gì ra ngoài khách sạn, nhà hàng thì cũng cần qua bảo vệ.
Đây là câu chuyện có thật ở một khách sạn 5 sao tại Hà Nội luôn, các bác biết cái lò hấp cơm tiệc của khách sạn phục vụ vài trăm khách thì nó to như thế nào, vậy mà nó vẫn mang ra khỏi khách sạn được đó, em cũng phải kính nể các bác bảo vệ ở đó thật! Vậy có ăn không ạ???
=> Em nói nốt bộ phận kỹ thuật:
Bộ phận này thì ăn gì nhỉ? Ăn dầu mỡ, dụng cụ, ăn ốc vít, ăn bóng đèn… Chuyện có thật ở tại khách sạn được coi là khét tiếng tại Hà Nội về quản lý nhưng kỹ thuật vẫn có thể ăn xăng dầu được ạ. Dầu thì thường chỉ tiếp vào ban đêm nên chuyện ăn không quá khó phải không ạ.
Cuối cùng các bạn có biết là cái gì bị ăn cắp nhiều nhất không ạ? Đó chính là thời gian! Đây là thứ mà tất cả các bộ phận đều ăn, nhân viên nào cũng ăn, mọi lúc có thể và cũng là vấn đề nan giải của người Việt nói chung và Nghề khách sạn nói riêng.
Vẫn còn đó những “mánh khóe”, “chiêu trò” gian lận được dân ngành chỉ dạy cho nhau qua từng năm làm nghề mà người quản lý rất có thể không hình dung hay dự trù rủi ro để đề phòng, hạn chế hậu quả. Một nhân viên chuyên nghiệp và tận tâm luôn nêu cao đạo đức nghề khi làm việc. Ngoài ra, một khách sạn – nhà hàng muốn giữ nhân viên giỏi phải xây dựng môi trường làm việc thân thiện, văn hóa doanh nghiệp công bằng và văn minh…
Ms. Smile
(Tư liệu lấy từ chia sẻ của 1 member trên Nghề Khách Sạn)