Nhau bám thấp: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Nhau bám thấp là một hiện tượng bất thường về vị trí bám của nhau thai. Nhiều mẹ bầu khi được chẩn đoán bị nhau bám thấp sẽ có tâm trạng lo lắng, bất an. Vậy nhau bám thấp là gì, tình trạng này có ảnh hưởng đến thai kỳ không?

Bài viết có sự tư vấn chuyên môn của Ths.BSNT Dương Ngọc Hưng, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

nhau bám thấp

Nhau bám thấp là gì?

Nhau bám thấp hay rau bám thấp là tình trạng bánh nhau không nằm ở vị trí bám đáy tử cung mà một phần của bánh nhau bám ở đoạn dưới của tử cung, nơi gần với cổ tử cung. Bản chất của tình trạng này là một thể của nhau tiền đạo được chia ra làm 4 thể dựa theo giải phẫu như sau: (1)

  • Nhau bám thấp: là nhau bám lan xuống đoạn dưới của tử cung nhưng chưa tới lỗ trong cổ tử cung
  • Nhau bám mép: là bờ của bánh nhau bám sát mép lỗ trong cổ tử cung
  • Nhau tiền đạo trung tâm không hoàn toàn: Bánh nhau che lấp một phần lỗ trong cổ tử cung
  • Nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn: Bánh nhau che lấp toàn bộ lỗ trong cổ tử cung.

Nhau thai là bộ phần có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cần thiết để thai nhi phát triển. Thông thường nhau thai thường bám ở mặt trước, mặt sau hoặc đáy tử cung. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nhau thai bám thấp ở gần lỗ trong cổ tử cung. Trên siêu âm, khoảng cách này được đưa ra là dưới 2cm từ mép bánh nhau đến lỗ trong cổ tử cung, đây cũng chính là tiêu chuẩn chẩn đoán nhau tiền đạo trên siêu âm.

Theo bác sĩ Dương Ngọc Hưng, khi tuổi thai còn nhỏ, nhau bám thấp có thể tự hết khi thai nhi phát triển dần lên và tử cung của người mẹ phát triển về phía đáy thì bánh nhau có thể được đẩy lên cao hơn. Vì vậy nhau bám thấp nói riêng hay nhau tiền đạo nói chung được chẩn đoán khi tuổi thai ở tuần thứ 28 trở đi.

rau thai bám thấp

Các dạng nhau bám thấp thường gặp

Vì vị trí của bánh nhau bám thấp nằm gần cổ tử cung dẫn đến những tháng cuối thai kỳ, sự hình thành đoạn dưới tử cung dẫn đến dễ xuất huyết âm đạo. Do vậy khi được bác sỹ chẩn đoán rau bám thấp, sản phụ nên theo dõi sát, khám thai định kỳ theo chỉ định bác sỹ, đặc biệt những tháng cuối, vỉ ra máu âm đạo xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm này.

Nguyên nhân rau bám thấp

Hiện nay vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhau bám thấp trong thai kỳ. Tuy nhiên theo các chuyên gia có một số yếu tố có thể góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm: (2)

  • Phụ nữ có tiền sử sinh mổ hoặc có vết sẹo trên thành tử cung như từng điều trị u xơ tử cung, mổ tạo hình tử cung…
  • Phụ nữ mang đa thai hoặc từng có tiền sử sảy thai, nạo phá thai;
  • Phụ nữ từng sinh nở nhiều lần;
  • Mang thai ở độ tuổi ngoài 35;
  • Thai phụ bị viêm nhiễm tử cung;
  • Phụ nữ từng bị nhau thai bám thấp ở lần mang thai trước đây;
  • Phụ nữ có thói quen hút thuốc, sử dụng nhiều cafein;
  • Chế độ ăn không đủ chất có thể dẫn đến tình trạng dinh dưỡng tuần hoàn không tốt, vì vậy nhau thai cần trải rộng diện tích bám để bù trừ sự thiếu hụt dinh dưỡng;

Triệu chứng bánh nhau bám thấp thường gặp

Triệu chứng của nhau bám thấp thường dễ phát hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Giai đoạn này thai phụ có thể có tình trạng ra máu đột ngột và không rõ nguyên nhân và không đau bụng. Máu ra có màu đỏ tươi và đông lại thành cục sau khi ra ngoài. Bên cạnh đó thai phụ dễ chảy máu khi vận động, giao hợp và làm việc nặng.

Ngoài ra dấu hiệu đau nhói, co thắt ở tử cung, chảy máu âm đạo cũng có thể cảnh báo những vấn đề khác của thai kỳ. Vì vậy khi mẹ bầu gặp những tình trạng kể trên nên đến thăm khám ở những cơ sở có chuyên khoa sản uy tín, bác sĩ sẽ cho kiểm tra bằng việc siêu âm, theo dõi để phát hiện những bất thường có thể xảy ra từ đó có biện pháp xử trí an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ cho mẹ và em bé trong bụng.

Nhau bám thấp có nguy hiểm không?

Nhau bám thấp có thể khiến mẹ bầu và thai nhi đối mặt với những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng đặc biệt là tình trạng băng huyết trong thai kỳ và khi chuyển dạ sinh con. (3)

Đối với mẹ bầu

Mẹ bầu khi bị nhau thai bám thấp sẽ đối diện với nguy cơ chảy máu nhiều lần trong suốt thai kỳ, tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến việc thiếu máu và dễ sinh non ở thai phụ. Đoạn dưới của tử cung vì thiếu cơ thắt nên thường xuyên xảy ra việc xuất huyết sau sinh, sản phụ sốc do mất máu nhiều và nguy hiểm đến tính mạng.

Trường hợp nhau bám gần ở cổ tử cung, sau khi sinh con nhau thai được bóc tách khiến cho phần cổ tử cung bị hở dễ bị các vi khuẩn có hại xâm nhập và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Trường hợp bánh nhau cài chặt vào trong cơ tử cung và không thể tách khỏi lớp niêm mạc có thể có chỉ định cắt bỏ tử cung.

Với thai nhi

Vì nhau bám thấp gây nên tình trạng mất máu với mẹ bầu vì vậy thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng, suy thai. Trong một số trường hợp mẹ bầu mất máu quá nhiều buộc phải chỉ định mổ lấy thai sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ vì vậy với trường hợp mẹ bầu có nhau thai bám thấp thường có nguy cơ sinh non, em bé sinh non có thể đối mặt với nguy cơ bị suy hô hấp, sức khỏe yếu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho răng bánh rau bám thấp là một trong những nguyên nhân khiến cho ngôi thai không thuận, thai nhi khó xoay đầu xuống vị trí thuận nên thường dẫn đến khó sinh.

Nhau bám thấp có quan hệ được không?

Nhiều mẹ bầu thắc mắc liệu bị bánh nhau bám thấp có quan hệ vợ chồng được không. Theo các chuyên gia, mẹ bầu cần kiêng quan hệ tình dục trong thai kỳ có tình trạng này để tránh gây tổn thương cho cổ tử cung trong thời gian mang thai. Mẹ bầu khi mắc bệnh có nguy cơ đối mặt với nguy cơ xuất huyết nhiều, việc quan hệ tình dục có thể khiến tình trạng này thêm trầm trọng.

Mẹ bầu cũng nên hạn chế đi lại, vận động mạnh hoặc quá sức để tránh xuất huyết âm đạo. Tối ngủ nên để chân gác cao, tránh căng thẳng, lo âu và nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Phương pháp chẩn đoán nhau thai bám thấp

Hiện nay để chuẩn đoán tình trạng nhau bám thấp trong thai kỳ bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để kiểm tra. Thông thường những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng này thường xuất hiện trong quá trình siêu âm thai từ 20 tuần tuổi. Khoảng 10% trường hợp sẽ phát triển thành nhau tiền đạo hoàn toàn.

Để chẩn đoán tình trạng nhau bám thấp, bác sĩ sản khoa sẽ thực hiện 1 trong 3 phương pháp sau:

  • Siêu âm ngã âm đạo;
  • Siêu âm ổ bụng;
  • Chụp cộng hưởng từ;

hình ảnh thai nhi trên siêu âm

Cách điều trị nhau bám thấp

Khi được chẩn đoán bị nhau bám thấp, mẹ bầu cần phối hợp thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy theo mức độ ra huyết và sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp. (4)

1. Trường hợp không chảy máu hoặc lượng máu ít

Với những sản phụ có nhau bám thấp nhưng xuất huyết âm đạo ít hoặc không có, bác sĩ sẽ đề nghị mẹ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động, chỉ đứng và ngồi khi cần thiết. Bên cạnh đó tránh các hoạt động thể chất mạnh, kiêng quan hệ tình dục, theo dõi tình trạng xuất huyết thường xuyên. Nếu ra máu nhiều cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Khi chuyển dạ nếu không chảy máu hoặc chảy máu ít có thể theo dõi đẻ đường dưới âm đạo, khi cổ tử cung mở có thể bấm ối sớm để hạn chế chảy máu.

2. Trường hợp chảy máu nặng

Mẹ bầu nếu chảy máu nặng sẽ được đề nghị nhập viện theo dõi, tùy theo lượng máu bị mất bác sĩ sẽ có chỉ định truyền máu hoặc dùng thêm thuốc để ngăn chuyển dạ sớm.

Với thai nhi tử 36 tuần tuổi và mẹ bị chảy máu nặng, bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm và mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Trong một số trường hợp sinh sớm, bé có thể phải tiêm mũi trưởng thành phôi.

3. Chảy máu mất kiểm soát

Với trường hợp này bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ và mổ khẩn cấp.

chỉ định chấm dứt thai kỳ

Cách phòng tránh rau bám thấp

  • Hiện nay để phòng tránh nhau bám thấp vợ chồng nên thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh nhiều con, không nạo phá thai nhiều lần.
  • Với mẹ bầu cần tuân thủ và ghi nhớ các mốc khám thai định kỳ để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời những diễn biến trong thai kỳ.
  • Nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
  • Phân biệt được rỉ ối với chảy dịch âm đạo để tránh nguy cơ sinh non, suy thai và thai chết lưu.
  • Khi gặp tình trạng xuất huyết âm đạo cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được thăm khám kịp thời.
  • Cân đối dinh dưỡng, cung cấp chế độ ăn khoa học, phù hợp với mẹ bầu, ăn đầy đủ chất, nên chọn các thực phẩm dễ tiêu, các hoa quả, rau xanh giàu chất xơ và vitamin. Bên cạnh đó mẹ bầu có thể bổ sung thêm sắt, canxi theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị căng thẳng mệt mỏi quá độ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng.

Với mong muốn đem đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho cả thai phụ và thai nhi trong suốt thai kỳ, từ khi mang thai cho đến lúc “vượt cạn” thành công, BVĐK Tâm Anh triển khai dịch vụ Thai sản trọn gói với chất lượng cao cấp vượt trội. Tại BVĐK Tâm Anh, thai phụ được chăm sóc đặc biệt bởi đội ngũ giáo sư, bác sĩ hàng đầu lĩnh vực Sản khoa Việt Nam, đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn nhất có thể. Sau sinh, mẹ và bé được nghỉ ngơi, thư giãn tại phòng bệnh tiện nghi, đạt tiêu chuẩn khách sạn 5 sao với sự chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp của đội ngũ bác sĩ, y tá và điều dưỡng tại bệnh viện.

Để được tư vấn về thai sản và đặt lịch khám chăm sóc sức khỏe cho mẹ và thai nhi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:

Nhau bám thấp là tình trạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu phát hiện sớm và được theo dõi, chăm sóc hợp lý tình trạng này không đáng lo ngại. Mẹ bầu cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, thăm khám thai đúng lịch và đầy đủ.

Related Posts

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa

Mụn sữa là gì? Có nguy hiểm không? Mụn sữa còn có tên gọi khác là mụn trứng cá sơ sinh hay nang kê với dấu hiệu…

Thai 25 tuần phát triển như thế nào và mẹ bầu thay đổi ra sao?

Bước sang giai đoạn tuần thứ 25 của thai kỳ, các mẹ bầu sẽ cảm nhận thấy có những sự thay đổi nhất định về thai nhi…

[HOT] 45 kiểu tóc nam Hàn Quốc đẹp chuẩn soái ca xu hướng 2022

Các kiểu tóc đẹp phong cách Hàn Quốc luôn có sức hấp dẫn riêng đối với các bạn trẻ. Tóc nam đẹp cũng như tóc nữ đẹp…

Top 5 phân bón hữu cơ cho cây mai vàng | Nông Nghiệp Phố

Để cây mai được sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đặc biệt là cây cho nhiều hoa khi Tết đến thì cây mai cần được bổ…

Cách nấu bún mọc Hà Nội ngon ngọt ăn là nghiền

Cách nấu bún mọc là công thức nấu bún khá đặc trưng của người Hà Thành. Ngoài phần mọc, bún mọc còn có thể có thêm sườn…

Uống trà Atiso hàng ngày có tốt không và nên uống bao nhiêu là đủ?

Atiso là loại trà thanh nhiệt giải độc từ thiên nhiên tốt cho gan nên được sử dụng rộng rãi, trở thành thức uống hàng ngày của…