Phim Ranh giới: Vì bệnh nhân thôi, y bác sĩ đâu cần làm anh hùng!

Với thủ pháp phi hư cấu, không lời bình, bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật; bộ phim mở toang cánh cửa cách ly của khu K1 – vốn là tòa nhà Cát Tường – giờ đây được Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương dành điều trị các sản phụ F0; mở cửa phòng mổ, phòng cấp cứu, ghi lại những khoảnh khắc cận sinh cận tử của bệnh nhân và nói với người xem: COVID-19 không chỉ đe dọa và lấy đi mạng sống của bệnh nhân F0, nó còn đang đe dọa chính các y bác sĩ.

Nỗ lực vượt trên sức lực

Ống kính đã ghi lặp đi lặp lại rất nhiều lần cảnh các bác sĩ, y tá bùng nhùng trong bộ đồ bảo hộ, chạy trên hành lang hẹp chân quấn vào nhau, bốc điện thoại gọi báo động đỏ, gọi oxy, gọi máy thở, gọi người hỗ trợ từ các khoa.

Micro ghi lại rất nhiều âm thanh phòng cấp cứu, ghi lại những đối thoại đủ các sắc thái giữa bác sĩ – bệnh nhân, bác sĩ – bác sĩ, bác sĩ – điều dưỡng, y tá, hộ lý, nữ hộ sinh… Một bệnh nhân hai mạng sống.

Từng khoảnh khắc dù ngày dù đêm, các y bác sĩ chạy đua để giành từng hơi thở, từng chút oxy cho hai mạng sống này. Nhưng vẫn có những lúc phải lựa chọn. Nhưng vẫn có những lúc phải buông tay. Đau đớn, mất mát cho bệnh nhân, thân nhân. Hụt hẫng, bàng hoàng cho y bác sĩ…

Những thước phim thử thách cảm xúc người xem. Dẫu gây nhiều tranh cãi nhưng tác động của nó thì không ai phủ nhận.

Các bệnh nhân F0 hầu hết đều chẳng biết mình nhiễm virus corona khi nào, mọi chuyện diễn ra như một trò đùa. Và khi đã trở bệnh, ranh giới sinh tử lại càng mong manh như một trò đùa số phận. Nhưng với y bác sĩ thì không có gì là trò đùa.

Rời gia đình vào khu điều trị cách ly để sống giữa hàng trăm hàng ngàn F0. Từng giây từng phút chạy đua với tử thần. Đối mặt với virus, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm. Thiếu thốn phương tiện y tế, thiếu thốn phương tiện bảo hộ, thiếu thốn điều kiện sinh hoạt.

Nỗ lực vượt trên sức lực, trên cả chuyên môn của mình để cứu bệnh nhân, nỗ lực giữ tinh thần để làm chỗ dựa cho người bệnh giữa cơn hoảng loạn mất dần hơi thở… Không có gì là trò đùa. Không có gì là mong manh.

Những ngày đầy thử thách của ngành y

Mấy tháng TP.HCM trở thành tâm dịch, chúng tôi có cơ hội được đến các bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, với các y bác sĩ trên hành trình tác nghiệp và hành trình kêu gọi tặng máy thở đến các bệnh viện.

Bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức, bệnh viện chuyển đổi… Có vào, có sống trong ấy mới thật thấm thía những ngày đầy thử thách này của ngành y. Con số tử vong mỗi ngày vẫn hàng trăm, nhưng chưa có một ai trách các y bác sĩ cả.

Ở bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ các khu chung cư, trường học, nhà văn hóa, giường của bệnh nhân là một chiếc ghế xếp, thì phòng của bác sĩ cũng là những chiếc ghế xếp; đến bữa, bệnh nhân một hộp cơm, bác sĩ cũng hộp cơm ấy.

Chỉ khác, ghế xếp của bệnh nhân được trải nằm cả ngày, hộp cơm được ăn khi đến bữa; ghế xếp, cơm hộp của bác sĩ thì chỉ được dùng khi hết ca, hay khi bệnh nhân cấp cứu đã qua cơn nguy hiểm.

Với COVID-19, chưa một bác sĩ nào có kinh nghiệm, có chuyên môn, bác sĩ nào cũng phải vừa trải nghiệm vừa học mỗi ngày mỗi đêm cho trận chiến đêm nay sáng mai mình sẽ giáp mặt. Nhưng vẫn có những cú sốc không dễ nói.

Như ở Bệnh viện dã chiến số 12 do Bệnh viện Da liễu TP.HCM đảm nhận. Các bác sĩ chuyên khoa da liễu hầu như chưa bao giờ phải tiếp xúc với bệnh nhân cấp cứu, thở oxy bình, máy trợ thở, lại càng chưa bao giờ phải nghĩ đến tình huống mở nội khí quản.

“Đi ra mặt trận này, chỉ có một cách nỗ lực hết mình” – bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, giám đốc, nói vậy và mỗi ngày là những ranh giới phải vượt qua trong chính bản thân mình. “Nhiều y bác sĩ của chúng tôi bị sốc trong những ngày đầu vì thử thách đến từ bệnh nhân là không ngờ” – bác sĩ Tường chia sẻ thêm.

Nhưng rồi qua thời gian, các y bác sĩ ngày càng bản lĩnh hơn, và nay thì Bệnh viện dã chiến số 12 đã mở rộng khu cấp cứu lên 100 giường, lắp đặt bồn oxy để hạn chế bệnh nhân phải chuyển viện.

Hay như ở Bệnh viện dã chiến số 13, khi chúng tôi thăm hỏi về máy thở oxy dòng cao để có thể tặng bệnh viện với hy vọng có thêm cơ hội cho bệnh nhân, bác sĩ giám đốc Nguyễn Thanh Trường lắc đầu:

“Máy thở không thể nào đủ cho bệnh nhân, nhưng hiện giờ chúng tôi đã có đủ cho bác sĩ. Nếu có thêm máy thì không đủ bác sĩ để quản lý, đảm bảo cho máy chạy hiệu quả. Chúng tôi đang cần máy phân tích khí máu động mạch…”.

Và thế là chúng tôi phải học thêm: để cứu được một bệnh nhân COVID-19 trở nặng phải qua những nấc thang của oxy: bình oxy, máy thở oxy dòng cao, máy xâm lấn, cầu lọc máu, ECMO. Phải có monitor theo dõi. Phải có máy xét nghiệm khí máu. Phải có cả máy thở xách tay dùng khi cần chuyển viện…

Họ không muốn làm anh hùng

Tại khu K1, tòa nhà Cát Tường, Bệnh viện Hùng Vương, mà hôm nay đang được cả nước quan tâm qua bộ phim Ranh giới, sau một ca mổ, cô điều dưỡng ngồi trên chiếc ghế nhựa, vừa trông em bé nằm trong lồng oxy vừa thở ra mệt mỏi.

Trong một buổi tác nghiệp, tôi hỏi thăm, cô nói như giận dỗi: “Mọi người cứ nói tụi em là anh hùng. Không, tụi em chỉ là người bình thường, chấp nhận ở đây là vì bệnh nhân thôi…”.

Hôm nay các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương cũng nói trong phim: “Khổ lắm, vì bệnh nhân nên phải làm thôi”. Và rất nhiều người xem phim lại đang khẳng định: y bác sĩ tuyến đầu là những anh hùng.

Đã trò chuyện với rất nhiều bác sĩ suốt mùa dịch, tôi hy vọng mình đã hiểu đúng được tâm ý của các bác sĩ cũng như thông điệp mà bộ phim Ranh giới nhắn đến chúng ta: hãy chung tay với tuyến đầu, hãy làm mọi việc có thể để hỗ trợ y bác sĩ, để cùng với nhau, chúng ta vượt qua những thử thách này, đi qua những đau thương này.

Để thật nhanh, mỗi người ở tuyến đầu lại được trở về những ngày bình thường, trở về cuộc đời bình yên.

Related Posts

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung – Câu thơ đặc sắc của Hồ Xuân Hương

Bạn đang xem: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung – Câu thơ đặc sắc của Hồ Xuân Hương Chém cha cái kiếp lấy chồng chung là…

Xám khói nam: 10 kiểu tóc sành điệu, xu hướng nhất hiện nay

I. Xám khói nam là màu gì? Màu xám khói được tạo thành nhờ sự hòa trộn hoàn hảo giữa xám và màu khói, tạo nên một…

Ý nghĩa tà áo dài truyền thống Việt Nam – giá trị qua các thời kỳ lịch sử

Là người con của dân tộc Việt Nam, không một ai là không biết đến tà áo dài truyền thống thướt tha. Áo dài là quốc phục…

Tang lễ nsưt minh phụng: phần 1

(NLĐO) – Trưa 24-12, đông đảo nghệ sĩ đến thắp hương tưởng nhớ “hoàng tử sân khấu” NSƯT Minh Phụng nhân ngày giỗ lần thứ sáu của…

Giá bán cây chòi mòi bonsai, chòi mòi rừng, làm cảnh 2023? Mua ở đâu?

Nếu bạn đang tìm kiếm những cây chòi mòi bonsai về để chưng trong nhà hay sân vườn thì rất vui đã gặp bài chia sẻ này…

Chọn giờ đẹp sinh mổ: Bác sĩ sản khoa chia sẻ nhiều câu chuyện đau lòng

Trẻ sơ sinh chết lưu vì mẹ cố chờ giờ sinh đẹp Mới đây, câu chuyện về một bà mẹ đi siêu âm thai bác sĩ báo…